Trong việc sản xuất nông sản thì việc được mùa mất giá thường xuyên xảy ra làm cho công việc sản xuất của người dân mất ổn định. Nhận thấy được điều đó HTX Nông Nghiệp Quảng 2 cam kết thu mua rau má cho người dân, để người dân có thể yên tâm sản xuất. Điều này đã đạt được hiệu quả lớn, người dân tập trung vào việc sản xuất trên diện tích được quy hoạch và không phải lo đầu ra lo sợ việc được mùa mất giá như trước đây.
Quảng Thọ là địa phương có diện tích trồng rau má lớn nhất trên địa bàn tỉnh với khoảng 30 ha. Trước đây, người dân trồng rau má có thói quen hễ phát hiện có sâu bệnh là phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ nên người tiêu dùng vẫn lo ngại khi sử dụng rau má. Tuy nhiên, từ năm 2010, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của các Sở, ban ngành cấp tỉnh và các phòng ban chuyên môn cấp huyện trong sản xuất rau an toàn, nông dân Quảng Thọ đã triển khai sản xuất rau má an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, với diện tích triển khai ban đầu 1,6 ha. Sau khi áp dụng mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap, thói quen canh tác của người dân dần thay đổi và sản phẩm rau má an toàn đã đáp ứng được tiêu chuẩn rau sạch. Từ thành công của mô hình, năm 2013 vừa qua, HTX sản xuất Quảng Thọ 2 phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông-lâm sản và Thuỷ sản tỉnh mở rộng mô hình trồng rau má theo tiêu chuẩn VietGap ở xã Quảng Thọ lên 30ha, với 210 hộ tham gia. Áp dụng mô hình này, người dân được tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất rau má theo hướng an toàn. Nội dung tập trung vào vấn đề quản lý đầu vào, quản lý sâu bệnh, định hướng và biện pháp sử dụng sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật an toàn, thu hoạch - sơ chế và bảo quản, phương pháp ghi chép và lưu trữ hồ sơ (nhật ký sản xuất đồng ruộng). Quá trình tập huấn diễn ra trong suốt vụ sản xuất và theo từng giai đoạn sinh trưởng của rau; kết hợp tập huấn lý thuyết trong phòng với tập huấn tại nơi sản xuất nhằm hướng dẫn bà con nông dân cách làm đất, ủ phân, cách phát hiện các đối tượng sâu bệnh...
Nhằm giải quyết sản phẩm rau má cho bà con nông dân của HTX sản xuất nông nghiệp Quảng Thọ 2, để người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, trong khuôn khổ dự án, HTX sản xuất nông nghiệp Quảng Thọ 2 tiến hành xây dựng cơ sở thu mua rau má, xây dựng hệ thống nhà xưởng và thiết bị máy móc sản xuất trà rau má. Song song với hoạt động trên, HTX tiến hành đăng ký thương hiệu và mẫu mã bao bì “Trà rau má Quảng Thọ”. Điều này không chỉ giúp bà con giải quyết tình trạng tiểu thương ép giá mà còn tạo ra một hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương.
Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Nguyễn Lương Trí, Chủ nhiệm HTX sản xuất nông nghiệp Quảng Thọ 2 cho biết: Với nhiều địa phương, mô hình trà rau má không còn mới lạ, nhưng đối với Quảng Thọ nói riêng và Thừa Thiên Huế nói chung đây là mô hình hoàn toàn mới. Sản xuất trà rau má trên cơ sở sản xuất rau theo hướng VietGap mở ra một hướng phát triển mới cho địa phương. Rau sạch sau khi thu hoạch sẽ được cơ sở thu mua xử lý ô zôn và phân phối cho thị trường, phần còn lại sẽ được đưa vào sản xuất trà rau má cung cấp cho thị trường. Những hộ tham gia dự án phải cam kết sản xuất rau theo hướng VietGap để đảm bảo chất lượng cũng như độ an toàn cho sản phẩm trà rau má sau này.